Hành pháp Chính trị Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland

Chính phủ thi hành các chức năng hành pháp của đất nước trên danh nghĩa của Vương quyền, vì trên lý thuyết, quyền hành pháp thuộc về Quốc vương. Nhà vua bổ nhiệm Thủ tướng theo những quy định chặt chẽ, theo đó Thủ tướng phải là thành viên của Viện Thứ dân, vì như thế mới giành được sự ủng hộ của Viện cho việc thành lập chính phủ. Sau đó Thủ tướng tuyển chọn bộ trưởng để lãnh đạo các bộ ngành của chính phủ. Có khoảng hai mươi bộ trưởng cao cấp được chọn để tham gia Nội các.

Giống các chính quyền theo thể chế đại nghị khác, nhánh hành pháp (được gọi là chính phủ) chịu trách nhiệm với Quốc hội – một nghị quyết bất tín nhiệm được thông qua bởi Quốc hội sẽ có thể buộc chính phủ hoặc phải từ chức hoặc phải giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử. Trong thực tế, thành viên Quốc hội thuộc các chính đảng lớn thường bị kiểm soát bởi giới lãnh đạo đảng trong Quốc hội để bảo đảm biểu quyết của họ phải phù hợp với chủ trương của đảng. Như thế, nếu chính phủ chiếm thế đa số, sẽ khó xảy ra tình trạng không có đủ phiếu để thông qua các dự luật do chính phủ đệ trình.

Trong tháng 11 năm 2005, chính phủ Blair đã phải vấp phải thất bại đầu tiên khi đệ trình dự luật kéo dài thời gian giam giữ nghi phạm khủng bố đến 90 ngày. Dự luật sau cùng của chính phủ bị đánh bại tại Hạ viện là Dự luật Shop Hours đệ trình năm 1986. Suốt trong thế kỷ 20, chỉ có ba dự luật của chính phủ bị đánh bại tại Quốc hội. Dù vậy, một chính phủ thiểu số hoặc một chính phủ liên hiệp sẽ đối diện với nhiều nguy cơ hơn trong nỗ lực thuyết phục quốc hội thông qua các dự luật. Đôi khi họ phải vận dụng các biện pháp đặc biệt như "đưa rước" các dân biểu đang nghỉ bệnh đến dự các kỳ họp quốc hội hầu có đủ số phiếu cần thiết. Năm 1983 Margaret Thatcher và năm 1997 Tony Blair lên nắm quyền với đa số vượt trội đã bảo đảm thành công trong tất cả cuộc biểu quyết ở quốc hội để có thể thông qua các đề án cấp tiến cũng như các cải cách pháp lý. Nhưng các Thủ tướng khác như trong trường hợp của John Major năm 1992, với đa số mong manh, chỉ cần một số tương đối nhỏ những dân biểu ít tiếng tăm không chịu tuân thủ chủ trương của đảng cũng có thể làm thất bại nỗ lực của chính phủ thông qua các dự luật. Do đó, những chính phủ có đa số mỏng ở Quốc hội thường có khuynh hướng thỏa hiệp với các phe phái khác nhau bên trong đảng hoặc tìm kiếm sự ủng hộ từ các chính đảng khác.

Các Bộ của Chính phủ

Chính phủ Anh Quốc bao gồm các bộ ngành, đứng đầu là bộ trưởng, thường cũng là thành viên Nội các. Các quyết định của bộ trưởng được thực thi bởi một bộ máy thường trực, trung lập về khuynh hướng chính trị, gọi là cơ chế dịch vụ công. Vai trò hiến định của cơ chế này là vận hành bộ máy công quyền bất kể chính đảng nào lên nắm quyền, các công chức vẫn tiếp tục duy trì vị trí của mình mỗi khi có thay đổi chính phủ. Các chức trách hành chánh được đặt dưới quyền của một công chức, thường là thứ trưởng thường trực. Đa phần các đơn vị dịch vụ công hoạt động như là các cơ quan hành pháp, đó là các tổ chức điều hành riêng lẻ chịu trách nhiệm với các bộ của chính phủ.

"Whitehall" thường được dùng như là từ đồng nghĩa với trung tâm quyền lực của bộ máy công quyền do hầu hết trụ sở của các bộ tập trung trong và chung quanh Điện Whitehall.